Theo báo cáo tài chính Quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Địa ốc Sacom (Samland) cho thấy, doanh thu của công ty này sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động đầu tư chứng khoán thua lỗ, tiền mặt của công ty chỉ còn hơn 1 tỷ đồng; do đó, công ty phải đi vay với lãi suất cao để cân đối tài chính.

Cụ thể, trong Quý IV/2022, Samland ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2,74 tỷ đồng, giảm 7,11 tỷ đồng so với cùng kỳ (đạt 9,85 tỷ đồng); lợi nhuận gộp ghi nhận đạt 66,5 triệu đồng tăng so với cùng kỳ (âm 7,7 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 20,46 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 5,29 tỷ đồng, tức giảm 25,75 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 2,6 tỷ đồng, giảm 20,6 tỷ đồng so với cùng kỳ (đạt 23,2 tỷ đồng), trong khi chi phí tài chính lại tăng cao lên đến 24,8 tỷ đồng. Mà nguyên nhân dẫn đến doanh thu từ hoạt động tài chính giảm chủ yếu do kinh doanh chứng khoán thua lỗ.

Theo đó, tại thời điểm 31/12/2022, Samland đã đầu tư 56,8 tỷ đồng (giá gốc) vào chứng khoán, cụ thể: Công ty đã đầu tư 31,9 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát; 22,9 tỷ đồng cho cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà; 1,9 tỷ đồng cho cổ phiếu của Công ty CP Chứng khoán SSI.

Tuy nhiên, 3 cổ phiều này đều giảm mạnh và Samland chỉ thu về 35,2 tỷ đồng; do đó, công ty phải dành 21,5 tỷ đồng dự phòng cho khoản đầu tư này, trong khi, dòng tiền từ hoạt động bán hàng lại quá thấp, dẫn đến dòng tiền bị âm nặng.

Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 51,1 tỷ đồng, trong khi tiền và tương đương tiền đầu kỳ là 52,2 tỷ đồng. Do đó, tiền và tương đương tiền cuối kỳ của Samland chỉ còn hơn 1 tỷ đồng.

Gặp khó về dòng tiền nên Samland phải tăng cường đi vay các khoản vay ngắn hạn; tại ngày 31/12/2022, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại Samland lên đến 360 tỷ đồng, tăng 329,3 tỷ đồng, tương đương 1.073% so với cuối năm 2021.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Việt Á (Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) là chủ nợ lớn nhất của Samland khi cho công ty vay 187,5 tỷ đồng. Mục đích của khoản vay là bù đắp chi phí bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bổ sung vốn đầu tư triển khai thực hiện dự án Nhơn Trạch.

Khoản vay có hạn mức 700 tỷ đồng này được đảm bảo bằng “toàn bộ quyền tài sản được hưởng phát sinh từ việc đầu tư, thực hiện và kinh doanh, khai thác Lô LK-C18 đến LK-C32 của dự án Nhơn Trạch. Đáng chú ý, dù có tài sản thế chấp nhưng khoản vay này có lãi suất rất cao, lên đến 14,37%/năm tại ngày 31/12/2022; đây không phải lãi suất cố định mà được điều chỉnh.

Ngoài ra, Samland còn thực hiện các khoản vay theo hình thức tín chấp gồm: Vay 16 tỷ đồng từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Dịch vụ Suinco với lãi suất khoản vay là 13%/năm; hợp đồng sẽ đáo hạn vào ngày 21/12/2023. Vay 10,95 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Phú Hữu Gia với lãi suất là 12%/năm; hợp đồng đáo hạn vào ngày 10/11/2023. Vay của Công ty Cổ phần Sam Tuyền Lâm 50 tỷ đồng với lãi suất 6,8%/năm.

Có thể thấy, đa số các khoản vay mới đều phát sinh trong tháng 11 và tháng 12/2022 nên áp lực lãi vay tại Samland là chưa lớn. Năm 2022, công ty chỉ phải chi 4,4 tỷ đồng cho lãi vay nhưng đã gánh thua lỗ tới 20,5 tỷ đồng. Vì vậy, trong năm 2023, với khối nợ khổng lồ và lãi suất cao, áp lực cho Samland ngày càng nặng nề hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây