(Doanhnghiepbiz) – Tập đoàn của gia đình doanh nhân Võ Duy Tấn sở hữu loạt dự án năng lượng với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên 2 dự án điện gió có vốn 3.200 tỷ đã được nhẹ nhàng “sang tay” cách đây ít lâu.

unnamed

Ảnh minh hoạ

Phong Liệu, Phong Huy, Phong Nguyên

UBND tỉnh Quảng Trị ngày 21/4 có quyết định số 1045 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Nhà máy điện gió Phong Liệu. Dự án có công suất 48MW, tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, được thực hiện tại các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Thành, Tân Hợp và thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Chủ đầu tư là CTCP Điện gió Phong Liệu. Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt là bước tiến quan trọng để tiến tới triển khai nhà máy. Được biết, dự án này, cùng với hai dự án cùng “mẹ” là dự án điện gió Phong Nguyên và Phong Huy vào ngày 31/12/2019 chính thức khởi công với sự tham gia của nhiều lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.

Ngày 17/4 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành hai quyết định về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Nhà máy điện gió Phong Huy và quyết định điều chỉnh thông tin nhà thầu tại dự án điện gió Phong Nguyên.

Nhiều cơ quan truyền thông khi đó giới thiệu bộ ba dự án điện gió với tổng mức đầu tư 4.800 tỷ đồng thuộc sở hữu của CTCP Thuỷ điện Đakrông. Thông tin này về đại ý là vậy, nhưng chưa thật sự chính xác. 

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Điện gió Phong Liệu được thành lập vào tháng 8/2019, trụ sở tại thôn Xa Lăng, xã Đa Krông, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị, có vốn điều lệ ban đầu là 310 tỷ đồng, là công ty con 99% vốn của CTCP Đầu tư Mai Phong, hai cổ đông còn lại là bà Lê Thị Ái Lan (0,5%) và CTCP Thuỷ điện Đakrông (0,5%), có chăng chỉ đứng tên cho đủ cơ cấu công ty cổ phần. 

Với cấu trúc tương tự, Công ty Phong Huy và Công ty Phong Nguyên cũng có số vốn ban đầu 330 tỷ, cùng là công ty con của CTCP Đầu tư Mai Liệu (99%); các cổ đông còn lại là CTCP Thủy điện Đa Krông (0,5%) và bà Lê Thị Ái Loan (0,5%). 

Tới tháng 11/2019, cả ba doanh nghiệp dự án này bất ngờ giảm mạnh vốn về còn 50 tỷ đồng. Cơ cấu sở hữu về cơ bản vẫn giữ nguyên. 

Trung tuần tháng 2/2020, một diễn biến bất ngờ là CTCP Xây lắp Điện 1 đã hoàn tất mua lại gần như toàn bộ cổ phần trong hai công ty Phong Huy và Phong Nguyên, qua đó sở hữu luôn bộ đôi dự án ở Hướng Hoá, Quảng Trị. 

Khoảng ba năm trở lại, phong trào phát triển năng lượng tái tạo rộ lên khắp cả nước, với hàng trăm dự án chờ xin cấp phép. Với giá bán điện được ưu đãi, đây trở thành một lĩnh vực “màu mỡ” đối với nhà đầu tư, trong đó bên cạnh các tập đoàn lớn xin dự án để làm thật, thì cũng có không ít nhà đầu tư mang tính lướt sóng, xin dự án rồi bán kiếm lời.

Với trường hợp của bộ đôi dự án Phong Huy và Phong Nguyên có vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng vừa được nhẹ nhàng “sang tay” cùng dự án còn lại Phong Liệu 1.600 tỷ đồng, thông tin được quan tâm hơn cả, là nhà đầu tư sơ cấp, hay chủ sở hữu thực sự ban đầu là ai? Đi sâu vào các thực thể Mai Phong hay Mai Liệu, sẽ mang tới những hình dung cụ thể hơn. 

Công ty Mai Phong lẫn Mai Liệu được thành lập trong cùng ngày 26/7/2019, trụ sở đặt tại quận 10, TP.HCM. Vào thời điểm mới thành lập, Mai Phong có vốn điều lệ 355 tỷ đồng, Mai Liệu là 705 tỷ đồng, cùng chung cấu trúc sở hữu: là công ty con của CTCP Thương mại Đầu tư Huy Hoàng (65,5%), ba cổ đông còn lại là CTCP Long Việt (14%), CTCP Thủy điện Đa Krông (18,4%) và bà Lê Thị Ái Loan (2,1%). Đến cuối năm 2019, Mai Phong giảm vốn xuống còn 50 tỷ, còn Mai Liệu giảm về 100 tỷ đồng. 

Hé lộ tham vọng “khủng” của đại gia Đà Nẵng

Xuyên suốt cấu trúc sở hữu bộ ba dự án điện gió ở Quảng Trị nổi lên ba pháp nhân: CTCP Thương mại Đầu tư Huy Hoàng, CTCP Thủy điện ĐaKrông và CTCP Long Việt.

Thuỷ điện ĐaKrông được thành lập năm 2007, theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, đã đầu tư nhiều năm trong lĩnh vực năng lượng, là chủ Nhà máy thủy điện Huy Măng (Quảng Ngãi); Nhà máy thủy điện Đồng Văn (vốn 1.100 tỷ đồng); Dự án thủy điện Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi (vốn 1.120 tỷ đồng); Nhà máy thủy điện Dakrong 2 tại Quảng Trị (vốn 540 tỷ đồng); Thuỷ điện Đắk Ba (vốn 690 tỷ đồng). 

Vài năm trở lại, Thủy điện ĐaKrông chuyển mạnh sang mảng năng lượng tái tạo, là chủ đầu tư dự án Điện gió Hướng Linh – Hướng Phùng tại Quảng Trị có công suất 112,5MW, tổng vốn đầu tư lên tới 5.159 tỷ đồng; và dự án điện mặt trời Buôn Choah tại Đăk Nông có công suất 125MW, tổng vốn đầu tư 3.926 tỷ đồng.

Thủy điện ĐaKrông hiện có vốn 600 tỷ đồng, trong đó Thương mại Đầu tư Huy Hoàng nắm 50,9%, ông Võ Duy Tấn (4,3%), ông Đỗ Thành Vinh (0,083%) và bà Lê Thị Ái Loan (40,7%).

Trong khi đó, Thương mại Đầu tư Huy Hoàng được thành lập muộn hơn, vào tháng 7/2008, đóng trụ sở tại TP.HCM, có vốn 1.440 tỷ đồng và thuộc về gia đình doanh nhân Đà Nẵng Võ Duy Tấn. 

Ông Tấn sinh năm 1959, cùng ba cá nhân cùng địa chỉ thường trú là bà Lê Thị Ái Loan, ông Võ Duy Tấn Huy (SN 1985) và Võ Duy Tấn Hoàng (SN 1991), như đã thấy, đang hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tổng mức đầu tư các dự án năng lượng mà gia đình doanh nhân Đà Thành này đã và đang tham gia lên tới hơn 17.000 tỷ đồng, biến những Huy Hoàng hay Đakrông trở thành những tay chơi đáng chú ý trên thị trường hiện nay. 

Tất nhiên, tham vọng của nhóm nhà đầu tư này không chỉ dừng lại ở đó. CTCP Long Việt, hay còn được gọi là Lovico Group là một tập đoàn gồm “8 công ty liên kết và hợp tác”, trong đó có Thuỷ điện Đakrông, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực xây dựng, sân golf, năng lượng, bất động sản, PPP…, sẽ được Nhadautu.vn đề cập cụ thể hơn trong một dịp khác. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây