Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ của Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (thuộc BCG ENERGY – Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) đã xâm chiếm, phá 5,26ha rừng phòng hộ trái phép ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Rừng phòng hộ tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ bị tàn phá.
Phá rừng phòng hộ do nhầm lẫn?
Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (gồm 3 nhà máy 1, 2, 3) có diện tích 380ha tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng do Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (thuộc BCG ENERGY – Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) làm chủ đầu tư.
Cuối năm 2020, giai đoạn 1 của dự án đã được đưa vào vận hành và hiện đang triển khai thi công giai đoạn 2.
Theo phản ánh của người dân ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), khi thi công giai đoạn 2, đơn vị thi công Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đã ngang nhiên xâm lấn, san ủi nhiều diện tích rừng phòng hộ do Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý và bảo vệ.
Trong khi đó, khi doanh nghiệp huy động nhân công, máy móc cơ giới ủi phá rừng phòng hộ nhiều ngày, song chủ rừng và chính quyền xã không kịp thời phát hiện, ngăn chặn để nhiều hecta rừng bị phá trắng, gây bức xúc cho người dân.
                                  Trơ trọi gốc dương còn lại hiện trường.

Tại hiện trường, cánh rừng phi lao ven biển thuộc 2 thôn Xuân Bình, Xuân Phương (xã Mỹ An) đã bị ủi phá trắng, mất cả gốc.
Hàng rào ngăn cách dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ đã bị nhiều người phá đổ, rừng phòng hộ ven biển giáp ranh dự án đã bị ủi phẳng để làm dự án, hàng loạt cây rừng bị nhổ gốc mất dấu.
Lãnh đạo Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch thừa nhận, trong quá trình thi công giai đoạn 2 của dự án đã xâm lấn ra ngoài mốc giới được Nhà nước giao đất, khoảng 5,26ha đất rừng phòng hộ.
“Doanh nghiệp đã được Nhà nước giao 380ha để thực hiện dự án thì cũng không lý gì muốn lấy thêm 5,26ha đó để làm gì. Đây là vô tình, chúng tôi không quản lý chặt chẽ nhà thầu nên để xảy ra vi phạm. Khi người dân và chính quyền phát hiện, chúng tôi đã dừng việc làm sai phạm và cho di dời hàng rào lại vị trí cho đúng”, vị này cho hay.
Theo đại diện chủ đầu tư dự án, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc đi lại giữa TP.HCM và Bình Định gặp khó khăn, chủ đầu tư chủ yếu quản lý qua điện thoại, việc thi công trực tiếp giai đoạn 2 của dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được giao cho các nhà thầu thực hiện.
Trong quá trình thi công, nhà thầu đã “nhầm lẫn” dẫn đến việc chặt phá cây, san ủi rừng phòng hộ, bên ngoài phần đất của dự án.
Chủ đầu tư dự án đã đình chỉ, buộc dừng công việc đối với nhà thầu thi công gói thầu có xảy ra vi phạm nói trên là Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Phước Hưng và đang chờ xử lý của UBND tỉnh Bình Định.
Đại diện chủ đầu tư dự án cho rẳng, trong phần đất được cấp của dự án còn 11,2ha chưa được doanh nghiệp đụng đến, vẫn còn nguyên. Nếu được lãnh đạo tỉnh Bình Định cho phép, doanh nghiệp xin trả lại 11,2ha này và hoán đổi phần đất 5,26ha vừa bị chặt phá cây dương cho phù hợp.
“Sự việc đã xảy ra rồi, nếu để làm thủ tục hồ sơ pháp lý đối với 5,26ha đất rừng là rất lâu, chậm nhất cũng 6 tháng. Chúng tôi đang xin ý kiến của tỉnh, để doanh nghiệp thực hiện”, vị này nói.
Vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng diễn ra tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Chủ rừng chậm vào cuộc để mất hơn 5ha rừng
Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ Bùi Long Thăng thừa nhận, diện tích rừng bị xâm chiếm, tàn phá hơn 5,2ha khoảng 10 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ ven biển do đơn vị này quản lý.
Theo ông Thăng, diện tích rừng bị tàn phá do đơn vị thi công dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ thực hiện.
“Có thể do dự án trải qua nhiều lần chuyển nhượng nên doanh nghiệp họ nhầm lần, ủi phá lấn qua nhiều diện tích rừng phòng hộ”, ông Thăng cho hay.
Cạo trắng cả cánh rừng.

Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ An Lê Xuân Thương, sau khi có người dân phản ánh về việc doanh nghiệp lấn phá rừng phòng hộ, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập tổ công tác gồm nhiều đơn vị vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Trước mắt, địa phương yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng triển khai thi công phần diện tích rừng bị phá để các đơn vị vào cuộc kiểm tra, xác định lại diện tích doanh nghiệp lấn chiếm để xử lý.
Lãnh đạo Phòng TNMT huyện Phù Mỹ cho biết, bước đầu tổng diện tích bị lấn chiếm, tàn phá rừng phòng hộ lên đến 5,26ha, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý.
“Đơn vị thi công không xác định được mốc giới, chủ đầu tư thì ở TP.HCM để công nhân thi công dự án ngoài này làm không đúng. Khi người dân phát hiện, cơ quan chức năng đi kiểm tra tọa độ thì số diện tích dự án lấn chiếm 5,26ha rừng. Chủ đầu tư dự án thừa nhận thiếu sót trong quá trình thi công, họ không có mặt trực tiếp ở địa phương nên việc giám sát thực địa có thiếu sót”, lãnh đạo Phòng TNMT huyện Phù Mỹ nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy cho biết, để mất rừng trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng, về mặt quản lý nhà nước là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện này.
Trước mắt, huyện đã chỉ đạo cho dừng thi công tại vị trí 5,26ha rừng phòng hộ bị tàn phá để các đơn vị chức năng vào cuộc định vị, xác định lại cụ thể mức độ thiệt hại để có hướng xử lý.
UBND huyện Phù Mỹ đã yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện khẩn trương làm báo cáo kiểm điểm, về việc để mất diện tích rừng trên.
Sau khi có báo cáo kiểm điểm, lãnh đạo UBND huyện sẽ xem xét để tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cụ thể của chủ rừng và các bên liên quan. Quan điểm của huyện Phù Mỹ là xử lý nghiêm vụ việc, ai sai sẽ chịu trách nhiệm trước quy định của pháp luật.
“Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện phát hiện vụ việc chậm, nếu người dân, chính quyền xã không phát hiện, tôi sợ diện tích rừng bị xâm lấn còn nhiều nữa. Ban đầu, phía dự án điện mặt trời còn nói phần đất đã xâm chiếm là của họ, khi cơ quan chức năng xác định cụ thể, chỉ ra lỗi thì họ nhận sai và không tái phạm. UBND huyện đã yêu cầu giám sát, khi phát hiện sai, doanh nghiệp đã chấp hành và dừng lại”, ông Duy khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ khẳng định, sau sự việc trên, UBND huyện Phù Mỹ sẽ tổ chức rút kinh nghiệm để tăng cường công tác quản lý, tuần tra bảo vệ rừng tốt hơn.
“Do diện tích dự án điện mặt trời quá lớn, 380ha nằm trên địa phận 2 xã và trải qua thời gian triển khai rất lâu từ những năm 2017, 2018 đến nay đã gần 4 năm nên rất khó quản lý, theo dõi. Đất ở đó toàn cát nên mốc giới không rõ ràng, cần phải có máy móc định vị lại thì mới xác định được cụ thể”, ông Duy nói.
UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở NN&PTNT Bình Định phối hợp với UBND huyện Phù Mỹ và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, có báo cáo đề xuất xử lý đối với vụ thi công dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ xâm chiếm, phá 5,26 rừng dương ven biển ở xã Mỹ An.

Theo Giang Nam/diendandonghanh.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây